[Giải đáp thắc mắc] Webinar “Thực trạng và Giải pháp xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam”

  17/06/2021

Ngày 9-6-2021, Chuyên trang Quản lý môi trường (quanly.moitruongvadothi.vn) thuộc Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, Công ty Informa Makets đã phối hợp tổ chức Toạ đàm “Thực trạng và Giải pháp xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam”. Toạ đàm nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của các nhà khoa học, nhà quản lý và đồng nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường.

Ban tổ chức và các diễn giả tham dự Toạ đàm đã nhận được hơn 30 câu hỏi của các đại biểu, phóng viên. Song vì thời gian có hạn, cho nên Ban tổ chức và các diễn giả không thể trả lời trực tiếp được. Chuyên trang Quản lý môi trường đã chuyển các câu hỏi đến các diễn giả theo yêu cầu của các đại biểu tham dự toạ đàm.

Trong số các câu hỏi nói trên có câu hỏi của một số đại biểu về những thắc mắc liên quan đến xử lý rác thải vi nhựa. Cụ thể như sau:

Đại biểu: Hiện nay, Việt Nam có cho phép nhập khẩu phế liệu nhựa không? Nếu có, tại sao chúng ta vẫn cho nhập khẩu trong khi nhựa thải ở Việt Nam đang phát sinh rất nhiều? Hiện tại ở Việt Nam, có công nghệ nào xử lý (đốt) rác thải nhựa, và sử dụng công nghệ như thế nào để xứ lý triệt để khí thải đạt tiêu chuẩn thải ra môi trường?

PGS.TS Đỗ Văn Mạnh: Theo Điều 54 của Luật Bảo vệ môi trường về nhập khẩu phế liệu vẫn cho phép nhưng phải tuân theo các điều kiện cụ thể được ghi trong Luật. Hiện nay rác thải nhựa được coi là một nguồn tài nguyên có giá trị, do đó loại hình này thường được tái chế và tái sử dụng. Giải pháp công nghệ để xử lý triệt để khí thải trong quá trình đốt rác thải nhựa thì có rất nhiều. Nhưng hấp thụ bằng dung dịch vẫn là giải pháp tối ưu.

Đại biểu: Hiện nay nước thải từ các cơ sở tái chế nhựa, sản xuất nhựa, cơ sở xay nhựa phế liệu,… chứa một lượng vi nhựa rất lớn trong nước thải, thải ra kênh rạch,… làm ô nhiễm nước trầm trọng, có biện pháp nào kiểm soát lượng vi nhựa này không?

PGS.TS Đỗ Văn Mạnh: Đây là câu hỏi làm nhức nhối các nhà khoa học hiện nay, giải pháp siêu vi lọc mới có thể giảm thiểu được vi nhựa trong loại hình nước thải như bạn đề cập.

Đại biểu: Hiện nay 2021, việc giảm thiểu rác thải nhựa đại dương là bao nhiêu, liệu 4 năm nữa 2025 có thể giảm thiểu đến 50% được không?

PGS.TS Đỗ Văn Mạnh – Phó Viện trưởng, Viện công nghệ môi trường – Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam: Tất cả các bộ ngành, cơ quan và người dân đang nỗ lực để giảm thiểu rác thải nhựa đại dương thông qua nhiều giải pháp. Trong đó đặc biệt coi trọng giải pháp ý thức thực hiện của người dân vẫn là số 1. Do đó, kế hoạch giảm thiểu này đang nằm trong lộ trình thực hiện.

Đại biểu: Các phương pháp xử lý nhằm loại bỏ vi nhựa trong nước?

PGS.TS Đỗ Văn Mạnh – Phó Viện trưởng, Viện công nghệ môi trường – Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam: Hiện nay loại bỏ vi nhựa chỉ bằng phương pháp siêu lọc, tuy nhiên nếu cấp độ nano nhựa nhỏ hơn màng lọc thì chúng vẫn đi qua.

Đại biểu: Dự kiến năm nào sẽ hoàn thành xong Bản đồ vi nhựa cho vùng biển Việt Nam ạ? Theo anh, lượng vi nhựa ở các hồ và sông có là vấn đề đáng lo ngại cho thuỷ sinh vật ở sông hồ không?

PGS.TS Đỗ Văn Mạnh: Theo kế hoạch của dự án thì tới tháng 12/2024 sẽ hoàn thành. Vi nhựa xuất hiện trong môi trường đều là hệ lụy xấu cho môi trường và cần phải loại bỏ.

XEM LẠI BẢN GHI HÌNH BUỔI HỘI THẢO

×

FanPage

Vietwater Expo & Forum