Yên Bái: Nhiều giải pháp đưa nước sạch về với người dân nông thôn

  28/06/2021

Người dân nông thôn tỉnh Yên Bái hiện có 659.774 người, chiếm 80,16% dân số toàn tỉnh. Để người dân nông thôn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh phải huy động mọi nguồn lực.

 

Người dân có nước sạch

Tỉnh Yên Bái hiện có 352 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, giá trị xây dựng 455,98 tỷ, giá trị còn lại là 146,29 tỷ. Trong đó, có 70 công trình hoạt động bền vững, 127 công trình hoạt động trung bình, 111 công trình hoạt động thấp, 39 công trình “đắp chiếu” nhiều năm không hoạt động, người dân phải tự tìm nguồn nước thay thế.

Từ năm 2017, tỉnh Yên Bái thực hiện Chương trình Mở rộng quy mô nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn do Ngân hàng Thế giới cho vay để xây dựng 26 công trình cấp nước ăn tập trung.

Nhiều hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh

Đến đầu năm 2020, đã có 19 công trình cấp nước sinh hoạt vốn vay hoàn thành để cấp cho hơn 7.000 hộ dân các xã: Y Can, Đông An, Hưng Khánh, Phong Dụ Thượng, Yên Phú, Cát Thịnh…

Năm 2021, xây dựng thêm 7 công trình cấp nước ăn tập trung nhằm đạt mục tiêu của Chương trình, cung cấp nước sạch hợp vệ sinh cho 11.185 hộ gia đình.

Từ năm 2006 đến hết năm 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái (NHCSXH) đã cho vay 812 tỷ đồng cho 63.657 hộ để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trong đó nước sạch là 62.633 công trình.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, NHCSXH đã cho 3.501 hộ vay 69,9 tỷ để xây dựng 3.501 công trình nước sạch. Dư nợ nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là 394 tỷ, tăng 42 tỷ.

Ông Đinh Trọng Hoài – Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Yên Bình  cho hay: Từ năm 2019 đến nay, Ngân hàng đã cho vay 183,4 tỷ để xây dựng 22.914 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, riêng 4 tháng đầu năm 2021, cho vay 70,426 tỷ để xây dựng 8.238 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Gia đình bà Nguyễn Xuyến thôn Miếu Hạ, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình vay 20 triệu đầu năm 2021 của NHCSXH thông qua tổ tín dụng Hội phụ nữ xã để mua téc đựng nước, đường ống, máy bơm và làm nhà vệ sinh. Giếng nước của gia đình  bà sâu 18 m, trước đây không có máy bơm nước phải kéo ròng rọc nên vô cùng khó nhọc. Số tiền vay không lớn, chỉ bằng một phần ba số tiền gia đình bà bỏ ra xây dựng, nhưng đó là số tiền vô cùng quan trọng, nếu ngân hàng không cho vay thì không biết đến bao giờ gia đình bà mới có đủ tiền xây dựng.

Tích cực tuyên truyền

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, vì vậy, để bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước sinh hoạt. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không vứt rác bừa bãi, không thải trực tiếp vào nguồn nước sạch; sử dụng thuốc trừ sâu đúng hướng dẫn.

Cùng với đó, cần nêu cao tinh thần tiết kiệm nước, giảm lãng phí khi sử dụng nước; kiểm tra, bảo trì cải tạo lại đường ống, bể chứa nước để chống thất thoát nước; dùng lại nguồn nước bể bơi, nước mưa vào những việc thích hợp như: Cọ rửa sân, tưới cây… Trong đó, chú trọng công tác quản lý rừng đầu nguồn nhằm bảo vệ nguồn sinh thủy, quản lý xả thải trong công tác khai thác khoáng sản, sản xuất công nghiệp và sử dụng nước là một trong những hoạt động tác động đến chất lượng nguồn nước sinh hoạt hiện nay.

Nâng niu từng dòng nước khó

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về nước sạch nông thôn, phát huy vai trò của cá nhân, tổ chức đoàn thể quần chúng, cộng đồng dân cư ở thôn bản đối với các huyện, xã vùng cao, các xã đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực bằng hoạt động truyền thông vận động xã hội. Không những vậy, cần đẩy mạnh công tác tập huấn, đào tạo để tăng cường đội ngũ và hoàn thiện kỹ năng cho truyền thông viên ở cơ sở trong việc tuyên truyền bảo vệ nguồn nước và công trình cấp nước tại cơ sở.

Nguồn: dttg.baotainguyenmoitruong.vn

×

FanPage

Vietwater Expo & Forum