Gia Lai: Nâng cao kiến thức về nước sạch và vệ sinh môi trường

  05/07/2021

Ngành chức năng và các cấp chính quyền địa phương của tỉnh Gia Lai đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao kiến thức về nước sạch và vệ sinh môi trường cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Nhiều chính sách hỗ trợ nước sạch

Gia Lai là tỉnh miền núi thuộc khu vực Tây Nguyên với trên 46% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số. Theo thói quen, tập tục, bà con đồng bào dân tộc tại Gia Lai thường sử dụng nước khe suối, nước giọt để sinh hoạt. Nguồn nước này không đảm bảo vệ sinh, đến mùa khô sẽ cạn kiệt và gây thiếu nước.

Để hỗ trợ người đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao nhận thức về sử dụng nước sạch, tỉnh Gia Lai đã triển khai các chính sách theo Chương trình 135, 132… Trong đó, có nhiều dự án đưa công trình nước sạch về các làng của người dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh.

Một hệ thống cấp nước tập trung đang phát huy hiệu quả tại Gia Lai

Được hưởng lợi từ công trình cấp nước tập trung làng Hle Ngol (xã Ia Toorr, huyện Chư Prông), ông Siu Hong chia sẻ: “Từ ngày sử dụng nước sạch, tôi và nhiều bà con trong làng không còn bị ngứa da hay đau bụng, tiêu chảy như trước. Vì vậy, bà con rất có ý thức bảo vệ và đóng đầy đủ kinh phí để bảo dưỡng, sửa chữa công trình”.

Giai đoạn từ 2015 – 2020, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng các công trình nước sạch, nước hợp vệ sinh tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, có 88,9% người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Ông Huỳnh Kim Đồng – Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai cho biết: “Cùng với sự phối hợp từ các Ban, ngành và chính quyền địa phương, Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai thường xuyên tuyên truyền đến các làng đồng bào dân tộc thiểu số về lợi ích khi sử dụng nước sạch; công khai chỉ số nước sạch sau khi xét nghiệm mẫu nước để người dân chủ động tiếp cận, sử dụng nước sạch, bảo đảm sức khỏe cho mình và cộng đồng”.

Vận động giữ gìn vệ sinh môi trường

Bên cạnh việc tuyên truyền sử dụng nước sạch, Gia Lai còn chú trọng nâng cao nhận thức cho người đồng bào dân tộc thiểu số giữ gìn vệ sinh môi trường. Cùng với sự vào cuộc của các cấp hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên, nhiều làng đồng bào dân tộc ở Gia Lai đã thay đổi nếp nghĩ, tiến tới hành động thực tế như: di dời chuồng trại ra xa nhà ở, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, thường xuyên quét dọn đường làng, khơi thông cống rãnh…

Một công trình cấp nước tập trung phát huy hiệu quả tại Gia Lai

Là hộ cận nghèo, được hỗ trợ tiền để xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, ông Rơ Mah Djăt (làng Mook Trang, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) phấn khởi cho biết: “Nhà mình nghèo nên căn nhà nhỏ đang ở vẫn chưa có nhà vệ sinh. Được Nhà nước hỗ trợ tiền, mình đã xây nhà tiêu hợp vệ sinh, không gây ô nhiễm môi trường, mình rất vui mừng”.

Theo ông Huỳnh Kim Đồng, nhờ các hình thức tuyên truyền gần gũi, thường xuyên, “mưa dầm thấm lâu”, nếp sống văn hóa, văn minh, ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường của người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã ngày càng nâng lên; xóa bỏ dần tập quán lạc hậu, thiếu vệ sinh của người dân tộc thiểu số. Đến nay, tỷ lệ hộ dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 50,76%.

Nói về giải pháp để nâng cao nhận thức cho người đồng bào dân tộc thiểu số giữ gìn vệ sinh môi trường, bà Lê Thị Hồng Quyên – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Gia Lai cho biết: “Sở TN&MT thường xuyên hướng dẫn UBND các xã vận động nhân dân tự giác thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường; phát động ngày chủ nhật xanh, ngày thứ 7 không rác, quét dọn đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh tại gia đình, trồng cây xanh ở hàng rào… Điều này không những giúp người dân có cuộc sống đảm bảo về môi trường mà còn góp phần tích cực để hoàn thành tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới”.

Nguồn: dttg.baotainguyenmoitruong.vn

 

×

FanPage

Vietwater Expo & Forum