Bình Phước: Người dân vùng sâu, vùng xa Phú Riềng đổi đời nhờ nước sạch

  26/09/2021

Từ nguồn vốn cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường (NS&VSMT) hàng ngàn hộ gia đình ở huyện Phú Riềng (tỉnh Bình Phước) đã đầu tư xây mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước sạch và các công trình vệ sinh, qua đó góp phần cải thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư, phát triển kinh tế… nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Từ ngày đầu tư được công trình cấp nước sạch, cuộc sống của gia đình chị Điểu Linh (dân tộc S’Tiêng) ở xã Long Bình đã thay đổi hẳn. Nếu như trước đây, nguồn nước sinh hoạt phụ thuộc vào con suối gần nhà, thì giờ đây, nước sạch đã về tận nhà. Sau khi vay được vốn từ nguồn tín dụng NS&VSMMT nông thôn, gia đình chị Linh đã đào giếng nước sạch để dùng trong sinh hoạt, đồng thời gắn thêm hệ thống phun sương để trồng nấm bào ngư.

Theo chị Điểu Linh, loại nấm này phù hợp với điều kiện khí hậu ở địa phương, dễ trồng, thời gian thu hoạch nhanh, cho lợi nhuận khá… Tuy nhiên, điều kiện bắt buộc là nấm phải được trồng gần nguồn nước sạch. Ngoài ra, chị Điểu Linh cũng tận dụng tất cả rơm rạ, mùn cưa, vỏ trấu… vốn được bỏ đi, để làm nguyên liệu trồng nấm. Chỉ sau thời gian ngắn, từ năm 2020, mô hình trồng nấm bào ngư đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình và người dân địa phương.

Nước sạch đã giúp người dân vùng sâu huyện Phú Riềng cải thiện cuộc sống, tạo thêm thu nhập từ việc trồng nấm bào ngư.

Tương tự, gia đình chị Vân Anh ở thôn Phú Tâm, xã Phú Trung đã “bắt tay” thực hiện mô hình trồng nấm sau khi đầu tư được công trình nước sạch. Hiện 30.000 phôi nấm của gia đình chị Vân Anh đã cho lên kệ. Thu hoạch một ngày thời điểm cao nhất khoảng từ 50 – 60kg nấm tươi, có những ngày thấp khoảng từ 20 – 30kg. Với giá bán nấm 40.000 đồng/kg, gia đình chị Vân Anh thu nhập thêm gần 200 triệu đồng mỗi năm.

“Nấm này phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Mưa nhiều thì nấm sẽ ra thất thường, còn nếu nắng quá thì năng suất không được cao nên phải cân bằng độ ẩm bằng hệ thống làm mát. Và quan trọng phải có nguồn nước sạch để tưới”, chị Vân Anh cho biết.

Mô hình trồng nấm bào ngư của gia đình chị Vân Anh đem lại thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Riềng đã triển khai Chương trình tín dụng NS&VSMT nông thôn hiệu quả, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Thời gian tới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tại 10 xã được tiếp cận và vay vốn Chương trình NS&VSMT nông thôn, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Riềng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội tăng cường tuyên truyền và phổ biến sâu rộng các chính sách tín dụng về NS&VSMT nông thôn tới người dân.

Năm nay, huyện Phú Riềng đã có 30 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại 6/10 xã đăng ký thoát nghèo. Ngoài các chính sách dự án thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, huyện cần tập trung hỗ trợ nhà ở cho 24 hộ, xây dựng nhà vệ sinh cho 25 hộ, có chính sách cho 24 hộ có nhu cầu hỗ trợ nước sinh hoạt; hỗ trợ 5 hộ có nhu cầu kéo điện lưới; hỗ trợ tiếp cận thôn tin cho 23 hộ; hỗ trợ 10 hộ vay vốn ưu đãi tín dụng Ngân hàng Chính sách; hỗ trợ người dân có nhu cầu đào tạo nghề và 26 hộ có nhu cầu hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập.

Nguồn: dttg.baotainguyenmoitruong.vn

Chia sẻ:
×

FanPage

Vietwater Expo & Forum