Bạc Liêu xây dựng hạ tầng thủy lợi phát triển nông nghiệp bền vững

  05/04/2022

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi, đây được xem là đòn bẩy để phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Mô hình nuôi tôm công nghiệp trong ao lót bạt. Ảnh: Tuấn Kiệt- TTXVN

Tại Bạc Liêu, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả thời gian qua tuy đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng hạ tầng phục vụ cho phát triển sản xuất vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Trong 5 năm vừa qua, Bạc Liêu đã thi công nạo vét hơn 2.290 công trình thủy lợi, với chiều dài hơn 4.570 km; khối lượng 10,19 triệu m3, có tổng vốn đầu tư trên 623 tỷ đồng. Nhìn tổng thể, hệ thống các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành kênh trục, kênh cấp 1, cấp 2 và kênh cấp 3 vượt cấp đối với tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A.

Riêng đối với vùng phía Nam Quốc lộ 1A thì còn hạn chế và chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của con tôm, nhất là sự phát triển khá nhanh của các mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh. Vì vậy, các công trình thủy nông nội đồng qua khảo sát chỉ mới đáp ứng khoảng 80 – 85% đối với tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A và khoảng 75 – 80% đối với vùng Nam Quốc lộ 1A…

Để khắc phục khó khăn trên, thời gian tới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu Lưu Hoàng Ly cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi, đây được xem là đòn bẩy để phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Theo đó, Bạc Liêu hoàn chỉnh hệ thống công trình phân vùng, phân ranh mặn, ngọt; xây dựng, nạo vét các kênh trục tạo nguồn nước (mặn, ngọt), xây dựng các cống, để biển ngăn triều cường bảo vệ sản xuất; cải tạo, nâng cấp và phát triển hệ thống tưới tiêu, chống ngập úng, các công trình cấp nước tập trung; xử lý lục bình trên các sông nước ngọt vùng Bắc Quốc lộ 1A.

Tỉnh thực hiện các dự án ô đê bao ngăn mặn cấp bách kết hợp các công trình giao thông để bảo vệ và phát triển vùng sản xuất lúa – tôm; đẩy nhanh tiến độ các dự án: Xây dựng khu neo đậu tránh trú bão và bến cá Cái Cùng; nạo vét hệ thống thủy lợi cấp bách, thau chua rửa mặn, phục vụ sản xuất, kết hợp giao thông thủy vùng Bắc và Nam Quốc lộ 1A; đầu tư xây dựng kè bờ sông thành phố Bạc Liêu.

Cùng với đó, tỉnh xây dựng hệ thống bờ bao kiểm soát ngập lụt, ngăn mặn triệt để nhằm bảo vệ an toàn vùng sản xuất lúa, vùng cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn và dài ngày; xây dựng hệ thống thủy lợi gắn với giao thông thủy, bộ và phát triển nông thôn mới.

Đồng thời, điều chỉnh, bổ sung các danh mục công trình, dự án đưa vào quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và sử dụng nước có hiệu quả; nghiên cứu và lập quy hoạch khai thác, phân vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nguồn cát biển nhằm đảm bảo không gây sạt lở và ô nhiễm môi trường.

Mặt khác, Bạc Liêu còn chú trọng đầu tư hệ thống đê biển, đê sông đảm bảo mức tối thiểu chống được bão cấp 9 và thủy triều ứng với tần suất 5%. Đồng thời, đáp ứng việc cấp, thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và giải quyết cơ bản các khó khăn do ảnh hưởng bởi triều cường, tăng khả năng ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn…

Ngoài ra, cũng theo ông Lưu Hoàng Ly, Bạc Liêu tiếp tục tranh thủ nguồn vốn Trung ương để đầu tư xây dựng cảng cá Gành Hào để trở thành cảng cá loại I, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm, Trung tâm trình diễn chuyển giao công nghệ cao;

Dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đồng muối Đông Hải; hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng phía Nam Quốc lộ 1A…/.

Nguồn: bnews.vn

×

FanPage

Vietwater Expo & Forum